Loadding...
Lên đầu trang

Bình chọn

Thống kê truy cập

Đánh giá hoạt động của bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại huyện nghèo
Đăng bởi Administrator Vào ngày Lượt xem: 789

Ngày 17-19/3/2019 đoàn công tác của Vụ Tổ chức Cán bộ - Bộ Y tế, Ban quản lý dự án HPET – Bộ Y tế cùng với Trường Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện phụ sản TW, Bệnh viện Nhi TW đã đánh giá hoạt động của bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại huyện Mường Ảng và huyện Mường Nhé của tỉnh Điện Biên.


Năm 2017 có 02 bác sỹ chuyên khoa I chuyên nghành Sản khoa và Nhi khoa tình nguyện về công tác tại 2 huyện Mường Ảng và Mường Nhé của tỉnh Điện Biên. Tiếp theo đó, 32 bác sỹ trẻ thuộc các huyện nghèo của tỉnh Điện Biện đang theo học chuyên khoa 1 theo dự án Bác sỹ trẻ tình nguyện (dự án 585) với sự hỗ trợ kinh phí đào tạo từ dự án HPET. Các chuyên ngành đào tạo: Nội khoa, Ngoại khoa, Sản khoa, Nhi khoa, Hồi sức cấp cứu, Chẩn đoán hình ảnh, Gây mê hồi sức, Truyền nhiễm, Gây mê phẫu thuật.

 

Tại bệnh viện Đa khoa huyện Mường Ảng, Trung tâm y tế huyện Mường Nhé đoàn công tác đã có buổi làm việc Đánh giá hoạt động của bác sĩ trẻ tình nguyện sau hơn 1 năm công tác tại địa bàn.

Tham dự buổi làm việc có đại diện Sở Y tế tỉnh Điện Biên, đại diện lãnh đạo UBND huyện Mường Ảng, phóng viên báo chí, truyền hình VTV, TTXVN, VOV đến dự và đưa tin.

 

Lãnh đạo UBND huyện Mường Ảng, huyện Mường Nhé đánh giá cao hiệu quả của các bác sỹ trẻ nói riêng và hoạt động của Dự án 585 Bộ Y tế nói chung và mong muốn cần tăng thêm số lượng bác sĩ trẻ tình nguyện để tăng cường sức lan tỏa và tác động rộng lớn hơn nữa đối với tuyến cơ sở; đồng thời đề xuất nên kéo dài thời gian đi cơ sở của các bác sĩ trẻ từ 3 – 5 năm thay vì chỉ từ 2 – 3 năm như hiện nay.

 

Bác sĩ Ðinh Huệ Quyên thuộc biên chế của Bệnh viện Phụ sản Trung ương và đã hoàn thành đào tạo chuyên khoa I tại Trường Ðại học Y Hà Nội vào tháng 1/2018. Ðến tháng 2/2018, Quyên lên đường đến vùng cực Tây Tổ quốc, hỗ trợ Bệnh viện Ða khoa huyện Mường Ảng. Trong thời gian 3 năm, Quyên sẽ hỗ trợ chuyên môn, triển khai kỹ thuật khám, chẩn đoán, điều trị bệnh nhân và hướng dẫn, giảng dạy, chia sẻ kiến thức chuyên môn cho bác sĩ tuyến cơ sở… Sau hơn 10 tháng làm nhiệm vụ tại đây, Quyên cùng với các y, bác sĩ đã giúp đỡ rất nhiều sản phụ sinh nở “mẹ tròn, con vuông”.

 

Bác sĩ Quyên chia sẻ: Mỗi cháu bé chào đời tôi lại cảm thấy rất vui và hạnh phúc, vì đã hoàn thành trách nhiệm giúp sản phụ “mẹ tròn, con vuông”. Dù không thể nhớ tên sản phụ, tên của cháu bé nhưng về tình trạng sức khỏe của mẹ và bé thì lúc nào tôi cũng phải ghi nhớ để còn có phương pháp điều trị kịp thời. Nhờ tận tình chăm sóc, chữa trị cho người bệnh nên người nhà bệnh nhân rất tin tưởng và yêu mến. Có người nhà bệnh nhân, dù đã ra viện gần 1 tuần nhưng vẫn quay lại tìm bác sĩ để biếu một túi gạo. Giá trị món quà thì không lớn nhưng tình cảm của bà con lại rất đáng trân trọng. Những kỷ niệm đó càng làm tôi muốn gắn bó với con người và mảnh đất này hơn!”, tôi đã học thêm được tiếng Dao để có thể nói chuyện được với bệnh nhân, hiểu hơn và thuận lợi hơn cho công tác.

 

Bác sĩ Ðinh Huệ Quyên khám, chữa bệnh cho sản phụ trên địa bàn huyện Mường Ảng.

Bác sĩ Ðinh Huệ Quyên khám, chữa bệnh cho sản phụ trên địa bàn huyện Mường Ảng.

 

Cũng giống như bác sĩ Ðinh Huệ Quyên, đến thời điểm này, bác sĩ trẻ Nguyễn Văn Hiếu, biên chế thuộc Bệnh viện Nhi Trung ương đã tham gia Dự án 585 và hỗ trợ chuyên môn, kỹ thuật y tế, chẩn đoán, điều trị bệnh cho bệnh nhân tại Trung tâm Y tế huyện Mường Nhé được hơn một năm. Sinh ra và lớn lên tại huyện Mê Linh (TP. Hà Nội), là con trai thứ 3 trong gia đình có 4 chị em; và Hiếu đã xây dựng gia đình từ năm 2016. Với ngọn lửa nhiệt tình, tâm huyết và tinh thần tình nguyện cống hiến của tuổi trẻ, tháng 8/2017, Hiếu tình nguyện nhận nhiệm vụ ở địa bàn khó khăn của tỉnh Ðiện Biên.

Bác sĩ Nguyễn Văn Hiếu chia sẻ: “6 năm (2008 - 2014) theo học chuyên ngành Ða khoa, Trường Ðại học Y Hà Nội, tôi rất tích cực tham gia các hoạt động thiện nguyện. Từ năm học thứ nhất đến năm học thứ tư, tôi đã tham gia các hoạt động tình nguyện của trường phát động và các chương trình thiện nguyện ở địa bàn khác trên cả nước. Năm học thứ 5, biết đến Dự án 585 của Bộ Y tế, tôi chủ động đăng ký tham gia. Sau đó, được biết tại Trung tâm Y tế huyện Mường Nhé đang thiếu bác sĩ chuyên ngành nhi nên tôi tiếp tục học 3 năm chuyên ngành nhi ở Trường Ðại học Y Hà Nội, rồi mới lên Mường Nhé thực hiện nhiệm vụ”.

Sau hơn một năm công tác ở mảnh đất địa đầu Tổ quốc, Hiếu đã phải nỗ lực rất nhiều để vượt qua khó khăn, vất vả. Mường Nhé là huyện nghèo, khó khăn nằm trong 62 huyện nghèo cả nước, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, đa dạng về ngôn ngữ, phong tục nên bác sĩ trẻ phải tự học hỏi, thích nghi để hiểu và có thể giao tiếp với bà con. Trong khi đó, Trung tâm Y tế huyện Mường Nhé còn thiếu về nhân lực nên Hiếu luôn cố gắng làm việc cả nội khoa, nhi khoa, sơ sinh, hồi sức cấp cứu, truyền nhiễm... Ðể làm được những việc đó, Hiếu đều phải học tập, nghiên cứu và sử dụng thành thạo các loại máy móc, thiết bị kỹ thuật, nhằm phục vụ tốt hơn nữa công tác chẩn đoán, điều trị. Trải qua những vất vả, khó khăn đã giúp Hiếu được rèn luyện, trưởng thành trong công việc và luôn dốc sức cứu chữa bệnh nhân. 

Nói về bác sĩ trẻ Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Mường Nhé, Toán Bình Việt cho biết: Mặc dù còn gặp không ít khó khăn, song bác sĩ Hiếu luôn cố gắng vượt qua và hết mình vì người bệnh. Hiếu cũng là bác sĩ trẻ có nhiều sáng kiến trong khám, chữa bệnh cũng như giao tiếp tốt với người bệnh và tận tình trong công việc. Nhờ vậy, Hiếu luôn nhận được sự tin yêu của đồng nghiệp và sự tin tưởng, yêu quý của bệnh nhân, người nhà bệnh nhân; từng bước giúp trung tâm tạo dựng niềm tin nơi người bệnh.  

Mới hơn 1 năm các bác sỹ đã thực hiện thành công hơn 700 ca mổ như: mổ lấy thai, phẫu thuật cấp cứu chửa ngoài tử cung, cắt tử cung toàn phần … nhiều ca bệnh nặng trong đó có nhiễm khuẩn, sốc phản vệ, viêm não, viêm màng não mủ, viêm phổi nặng, suy hô hấp, uốn ván sơ sinh, co giật trẻ em, trấn thương sọ não, ti biến, suy gan, suy thận … Ngoài ra còn hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật cho các đồng nghiệp tại đơn vị công tác, trực tiếp tham gia phòng chống dịch bệnh tại cơ sở.

   

Thay mặt Bộ Y tế, TS Phạm Văn Tác – Vụ trưởng Vụ TCCB, Bộ Y tế - Giám đốc Dự án 585 phát biểu đánh giá cao đóng góp của bác sĩ trẻ Đinh Huệ Quyên và bác sỹ Nguyễn Văn Hiếu tại tuyến cơ sở. Đồng thời bên cạnh việc khám chữa bệnh, ông mong muốn tuyến cơ sở phải tăng cường công tác truyền thông y tế, để nâng cao nhận thức người dân cần quan tâm hơn nữa đến sức khỏe của chính bản thân mình. Về phía cơ sở, cần đề xuất cử bác sĩ đi học nâng cao tay nghề, trình độ chuyên môn, nhất là chú trọng đến chuyên ngành Hồi sức cấp cứu.

 

Một số hình ảnh:

 

 

 

 

@ 2015. Dự án Giáo dục và Đào tạo Nhân lực Y Tế HPET
Chính sách bảo mật / Sơ đồ site